Bitcoin từng được kỳ vọng là công cụ chống lạm phát, nhưng giá tiền số này lại đang cùng nhịp giảm với chứng khoán suốt thời gian qua.
Bitcoin trải qua giai đoạn trầm lắng kéo dài, làm suy yếu lập luận thường được đưa ra bởi những người đam mê tiền số, rằng nó có thể là hàng rào hiệu quả chống lại lạm phát trong thời kỳ kinh tế bất ổn. Những người ủng hộ từ lâu cho rằng sự khan hiếm của Bitcoin – tổng nguồn cung được chốt ở mức 21 triệu đồng – sẽ bảo vệ giá trị của nó trong thời kỳ lạm phát gia tăng. Việc này không giống tiền của các nước, do có thể được ngân hàng trung ương tăng cung.
Ngay cả trước khi thị trường sụp đổ, đã có cuộc tranh luận về việc liệu Bitcoin có giữ được giá trị hay không. Tỷ phú đầu tư Paul Tudor Jones tỏ ra lạc quan đối với Bitcoin trong vai trò phòng ngừa lạm phát. Trong khi đó, tỷ phú Mark Cuban bác bỏ ý tưởng này và xem nó chỉ là một “chiến lược marketing”.
Một lập luận khác là Bitcoin, cùng với các loại tiền số tương tự khác, sẽ có một kho giá trị nội tại theo thời gian khi nó được chấp nhận nhiều hơn, giống như vàng. Những người ủng hộ tin rằng Bitcoin sẽ được coi là một tài sản không mất giá theo thời gian.
Tuy nhiên, điều này vẫn chưa được chứng minh là đúng, ít nhất là đến thời điểm hiện tại. Giá trị của thị trường tiền số nói chung đã giảm mạnh khi lạm phát tăng. Riêng Bitcoin mất một nửa giá trị kể từ tháng 1 năm nay. Thị trường tiền số tính chung mất khoảng 70% vốn hóa so với mức đỉnh 3.000 tỷ USD hồi tháng 11 năm ngoái.
“Với tiền số, mức độ biến động của giá rất đáng kể, tôi rất khó coi nó như một công cụ cất trữ giá trị lâu dài”, Anjali Jariwala – nhà hoạch định tài chính và là nhà sáng lập Fit Advisors, nêu quan điểm.
Jariwala nói rằng tiền số nói chung là một loại tài sản mới, chưa hoạt động như loại tài sản được săn lùng như vàng, hoặc thậm chí là tiền tệ, “bởi vì nó không dễ dàng được trao đổi để lấy hàng hóa hoặc dịch vụ”. Mặc dù khan hiếm, giá của tiền số như Bitcoin vẫn chủ yếu dựa vào tâm lý của người tiêu dùng.
Một luận điểm đáng cân nhắc khác là các loại tiền số như Bitcoin chỉ mới xuất hiện hơn một thập kỷ qua. Bởi vì điều này, theo bà, không có đủ dữ liệu lịch sử để thực sự hiểu mục đích của tiền số như một khoản đầu tư.
Báo cáo mới đây của Bank of America (BofA) cũng cho rằng Bitcoin không hoạt động như một công cụ phòng ngừa lạm phát. Thay vào đó, tiền số lớn nhất thế giới được giao dịch như một tài sản rủi ro, nhà phân tích Alkesh Shah và Andrew Moss của BofA nhận xét.
Họ chỉ ra dữ liệu cho thấy rằng tiền số thường biến động theo thị trường chứng khoán. Vào ngày 31/1, mối tương quan giữa Bitcoin và S&P 500 đạt mức cao nhất mọi thời đại. Mối tương quan của Bitcoin với Nasdaq 100 cũng đang tiến gần mức đỉnh.
Mối quan hệ giữa Bitcoin và thị trường chứng khoán gần đây rất rõ ràng. Trong môi trường vĩ mô hiện tại, cả hai vẫn đồng bộ. Ví dụ, sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất, giá trị của Bitcoin đã giảm mạnh cùng nhịp với chứng khoán. Các nhà phân tích BofA dự đoán mối tương quan này sẽ duy trì trong tương lai gần.
Ngoài ra, Bitcoin thường được so sánh với vàng như một phương tiện lưu trữ giá trị hiệu quả. Nhưng mối tương quan giữa Bitcoin và vàng vẫn gần bằng 0 kể từ ngày 21/6 và trở nên tiêu cực hơn trong vòng 2 tháng qua. BofA khẳng định giá Bitcoin không biến động song song với vàng.
Dù các loại tiền số như Bitcoin “không được chứng minh” là một kho lưu trữ giá trị lâu dài và đáng tin cậy, chúng vẫn có thể được chấp nhận theo thời gian và ít biến động hơn, Omid Malekan – giáo sư trợ giảng tại Trường Kinh doanh Columbia chuyên về tiền số và công nghệ blockchain, có ý kiến khác.
Ông nói: “Một khi sự biến động dần ổn định, chúng ta sẽ có bức tranh rõ ràng hơn về cách nó phản ứng với các diễn biến vĩ mô, như lạm phát hoặc những gì Fed đang làm”.
Còn theo Jill Gunter – đồng sáng lập Open Money Initiative, tổ chức nghiên cứu phi lợi nhuận về quyền được sử dụng hệ thống tài chính tự do và cởi mở, để Bitcoin hoạt động như một kho lưu trữ giá trị, thị trường cần phải “trưởng thành”.
Một thị trường trưởng thành được đặc trưng bởi các nhà đầu tư dài hạn có khả năng chống chọi với biến động và giảm giá. Thường thì những nhà đầu tư này là các tổ chức, nhưng bà cho rằng họ không nhất thiết phải là các ngân hàng truyền thống lớn và các nhà quản lý tài sản. Ngày càng có nhiều quỹ dành riêng cho tiền số đang ở vị trí để có thể đóng vai trò là những lực lượng ổn định trên thị trường.
Một dấu hiệu khác của sự trưởng thành của thị trường là sự phát triển các khuôn khổ, thước đo và phân loại chung được sử dụng cho các bên tham gia thị trường. Có những kinh nghiệm nhất định mà các nhà đầu tư và thương nhân phát triển theo thời gian để nhanh chóng hiểu, cân nhắc và giao dịch tài sản.
Jill Gunter cho rằng đã có những dấu hiệu chứng tỏ thị trường bắt đầu trưởng thành, với việc Goldman Sachs công bố nghiên cứu tách Bitcoin khỏi những đồng khác và coi đây là “kho giá trị” để cạnh tranh với vàng. Tất nhiên, viễn cảnh trên sẽ mất nhiều thời gian và hao tốn giấy mực nghiên cứu hơn. Khi thị trường tiền số trưởng thành theo hướng tài chính chính thống, các nhà đầu tư và nhà giao dịch lớn sẽ cần phải điều chỉnh không chỉ về cách phân loại mà còn về các thông số xác định các danh mục đó. Theo đó, họ có cái nhìn giàu sắc thái hơn về Bitcoin cũng như các tài sản tiền số khác.
Dù bằng cách nào, tiền số nói chung vẫn là một khoản đầu tư mang tính đầu cơ cao. Nhà hoạch định tài chính Anjali Jariwala khuyên mỗi người chỉ nên đầu tư với số tiền mà “bạn chuẩn bị mất”. Hãy nghĩ việc đầu tư tiền số như một chiến lược dài hạn và “tuân thủ chiến lược đó ngay cả trong những thời điểm thế này”.
Tiền số có thể phát triển thành một tài sản “trưởng thành hơn”, có thể là hàng rào chống lại lạm phát. “Nhưng chúng ta sẽ chưa biết rõ điều này cho đến khi có nhiều thông tin hơn về lịch sử của nó”, Jariwala nói.
Tiểu Gu (theo CNBC, Fortune, CoinDesk)