Quyền đăng ký sáng chế là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ được trao cho tổ chức chủ trì nghiên cứu.
Sáng 16/6, Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ với 7 nhóm chính sách lớn. Trong đó có chính sách khuyến khích tạo ra, khai thác và phổ biến sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, tạo ra giống cây trồng từ nhiệm vụ khoa học công nghệ sử dụng ngân sách Nhà nước. Luật quy định trao quyền đăng ký cho tổ chức chủ trì, tự động và không bồi hoàn, phân chia hợp lý lợi ích giữa Nhà nước, cơ quan chủ trì và tác giả.
Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, quy định này khắc phục các bất cập hiện nay về đăng ký và khai thác các đối tượng quyền sở hữu trí tuệ do nhà nước đầu tư; là cú hích để khuyến khích tác giả nghiên cứu nhiệm vụ khoa học và công nghệ chủ động đăng ký, khai thác sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, tạo ra giống cây trồng mới.
Nội dung này cũng nhằm thể chế hóa Nghị quyết số 20 ngày 1/11/2012 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XI về phát triển khoa học công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Nghị quyết có chủ trương giao quyền sở hữu các kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước cho cơ quan chủ trì nhiệm vụ khoa học và công nghệ.
Luật sửa đổi cho phép chuyển giao một số quyền nhân thân theo thỏa thuận (thỏa thuận đặt tên, sửa đổi tác phẩm) phù hợp với đặc thù của lĩnh vực quyền tác giả. Điều này nhằm giải quyết vướng mắc thời gian qua như trường hợp có nhu cầu thay đổi tên tác phẩm, sửa đổi, nâng cấp chương trình máy tính.
Quá trình thực hiện thủ tục đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan, thủ tục xác lập quyền sở hữu công nghiệp cũng được tạo thuận lợi. Theo đó, dù là quyền được xác lập tự động mà không qua đăng ký (trong lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan) hay phải đăng ký (lĩnh vực sở hữu công nghiệp) thì các quy định về thủ tục, thời hạn, hồ sơ… tiếp tục được hoàn thiện theo hướng gọn nhẹ, nhanh chóng để khuyến khích, gia tăng hoạt động đăng ký, xác lập quyền sở hữu trí tuệ.
Luật sửa đổi cũng bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ thỏa đáng và cân bằng; tăng cường hỗ trợ về sở hữu trí tuệ; bảo đảm thi hành đầy đủ và nghiêm túc các cam kết quốc tế của Việt Nam về bảo hộ sở hữu trí tuệ trong quá trình hội nhập.
Luật nêu rõ, tổ chức, cá nhân thực hiện quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca Việt Nam không được ngăn chặn, cản trở việc phổ biến, sử dụng ba phạm trù này.
Luật có hiệu lực từ 1/1/2023