Thu phí đỗ ôtô dưới lòng đường không vì lợi nhuận, theo ông Nguyễn Đức Tuấn, Phó giám đốc Xí nghiệp dịch vụ công cộng, thu phí đỗ xe ở đường trung tâm nhằm giảm ùn tắc chứ không đặt nặng doanh thu.
Từ năm 2018, TP HCM thu phí đỗ ôtô ở 23 tuyến đường trung tâm với mục tiêu thêm nguồn thu và giảm ùn tắc. Tuy nhiên, số tiền thu được luôn thấp hơn chi phí quản lý. Năm 2021, việc thu phí lỗ 8 tỷ đồng. VnExpress phỏng vấn ông Nguyễn Đức Tuấn, Phó giám đốc Xí nghiệp dịch vụ công cộng (thuộc Công ty dịch vụ công ích Thanh niên xung phong – đơn vị tổ chức thu phí) về quá trình triển khai.
– Vì sao TP HCM thu phí ôtô đỗ dưới lòng đường theo giờ ở khu nội đô?
– Trước đây, một số tuyến đường ở TP HCM cho ôtô đậu và thu phí theo lượt, giá 5.000 đồng mỗi xe. Công tác thu phí hoàn toàn thủ công. Mức phí rẻ, nhiều ôtô đậu cả ngày gây ùn tắc. Từ năm 2018, thành phố chủ trương thu phí ôtô đậu theo giờ trên 23 tuyến thuộc các quận 1, 5 và 10. Việc tính phí thông qua ứng dụng MyParking do Viettel cung cấp, không dùng tiền mặt.
Với mức phí thấp nhất 20.000-25.000 đồng cho giờ đầu tiên, tuỳ xe, đã hạn chế tình trạng ôtô đậu “chây ì” trên các tuyến đường. Mức phí khá cao, nhiều tài xế cân nhắc chuyển qua phương tiện khác hoặc gửi xe ở hầm các trung tâm thương mại, cao ốc… với chi phí rẻ hơn. Điều này đúng chủ trương của thành phố là hạn chế xe vào nội đô để giảm ùn tắc.
– Việc tổ chức thu phí đang được thực hiện thế nào?
– Gần một năm đầu triển khai, việc thu phí do các quận tự thực hiện. Tuy nhiên, do thiếu đồng bộ, hiệu quả không cao nên đầu năm 2020, lực lượng thanh niên xung phong được giao tổ chức thu.
Từ khi thu phí chuyển qua cho đơn vị thanh niên xung phong, các công việc được tập trung một đầu mối, việc phối hợp với đơn vị cung cấp công nghệ thuận lợi hơn. Hình thức thanh toán phí đỗ xe cũng dễ dàng vì tài xế có thể trả tiền qua thẻ ngân hàng, ví điện tử Momo, Zalopay, Viettelpay…
Hiện, các tuyến đường cho đỗ ôtô có thu phí giảm từ 23 xuống còn 20, với khoảng 1.000 vị trí cho xe đậu. 67 thanh niên xung phong đang được giao phụ trách thu. Họ làm việc hai ca mỗi ngày, từ 6 đến 22h và các quy trình vận hành đi vào bài bản.
Sau thời gian triển khai, tài xế dần nâng cao ý thức, chấp hành đỗ xe trả phí không dùng tiền mặt. Số tiền thu được cũng tăng qua các năm. Riêng năm 2021, thành phố bị ảnh hưởng nặng do dịch nhưng mức thu vẫn cao hơn 132% năm 2020. Dự kiến năm nay, doanh thu tiếp tục tăng do dịch được kiểm soát.
– Vì sao mức thu phí năm sau đều cao hơn năm trước nhưng vẫn không đủ bù chi và năm 2021 bị lỗ đến 8 tỷ đồng?
– Năm 2021, tổng chi cho công tác thu phí đỗ ôtô ở 20 tuyến đường khoảng 10 tỷ đồng nhưng thu chỉ hơn 2 tỷ. Nguyên nhân chính do nhiều người đậu xe nhưng không trả tiền. Thanh niên xung phong chưa có quyền xử phạt, trong khi việc phối hợp xử lý còn nhiều hạn chế.
Bên cạnh đó, lòng đường một số tuyến như An Dương Vương, quận 5; Lê Hồng Phong, quận 10; Trương Định, quận 3… bị nhiều hộ kinh doanh chiếm dụng, cản trở thu phí. Ngoài ra, ứng dụng MyParking còn một số lỗi, chưa ổn định. Năm ngoái TP HCM giãn cách xã hội nhiều tháng nên việc thu phí tạm ngưng…
Để bù lỗ, chúng tôi phải huy động tiền từ nguồn khác, song do công ty đang khó khăn nên việc này ảnh hưởng thu nhập một số bộ phận khác. So với mục tiêu chung của thành phố là đảm bảo trật tự, giảm ùn tắc các tuyến đường, số lỗ gần 8 tỷ đồng không là bao nhiêu, bởi nhiều chủ trương lớn khác cần bỏ ra tới hàng nghìn tỷ đồng.
Ngay từ đầu công ty xác định thu phí đỗ ôtô dưới lòng đường không để kinh doanh. Chúng tôi không đặt nặng “lời – lỗ” mà mục đích chính là giúp giao thông ở khu trung tâm thông thoáng, trật tự. Việc giảm ùn tắc mang lại lợi ích lâu dài cho cả thành phố chứ không chỉ là ở số tiền thu được.
– Công tác giám sát, xử lý vi phạm trong việc thu phí đỗ ôtô ở các tuyến đường như thế nào?
– Đơn vị thanh niên xung phong tổ chức thu phí đỗ ôtô ở 20 tuyến đường, nhưng không có quyền xử phạt. Hiện, nhân viên thu phí khi phát hiện vi phạm chỉ có thể chụp hình, ghi nhận thời gian, địa điểm… sau đó đưa lên hệ thống. Tuy nhiên, số trường hợp bị CSGT, Thanh tra giao thông xử lý không nhiều bởi phối hợp giữa các bên còn hạn chế.
Đầu tháng 6, các đơn vị liên quan đã thống nhất phương án phối hợp xử lý vi phạm tại các tuyến đường thu phí đỗ ôtô. Thông tin vi phạm sẽ được gửi lên các nhóm Zalo, Viber… các lực lượng chức năng sẽ lập tức đến hiện trường xử lý. Trường hợp chưa xử phạt được, hình ảnh sẽ gửi Phòng CSGT TP HCM để phạt nguội. Phương án này sẽ giúp tình hình thu phí được kiểm soát tốt hơn.
– Hiện có tình trạng tài xế thanh toán trực tiếp cho nhân viên do không muốn cài app MyParking nên dễ gây thất thoát. Đơn vị xử lý việc này ra sao?
– Theo quy trình, tất cả thao tác thu phí thực hiện qua app, không dùng tiền mặt. Do vậy, nhân viên bị cấm thu phí bằng tiền mặt. Tôi không chắc 100% nhân viên không thu tiền mặt, nhưng nếu phát hiện đơn vị sẽ cho thôi việc ngay.
Thực tế có tình trạng tài xế nại lý do không quen công nghệ, không cài app nhưng vẫn vào đậu xe. Họ cố tình không hợp tác bởi hiện rất ít người không biết dùng điện thoại thông minh, thanh toán qua ứng dụng. Việc đậu xe tính theo giờ, chi phí cao nên họ không muốn trả tiền và cố tình đậu.
Ngoài các phương án xử lý vi phạm, chúng tôi đang lên kế hoạch lắp camera tại các tuyến đường thu phí đậu xe nhằm tăng cường giám sát ôtô ra vào cũng như hoạt động của nhân viên. Sắp tới, ở các tuyến đường thu phí được lắp hệ thống cảm biến ghi nhận xe ra vào, thời gian đậu.
– Theo các chuyên gia, để giải quyết căn cơ việc ôtô chiếm dụng lòng đường, gây ùn tắc, thành phố nên cấm đậu xe trên vỉa hè, lòng đường và xây các bãi giữ. Ông đánh giá thế nào về ý kiến này?
– Do khu trung tâm thiếu bãi đậu, các xe đỗ tràn lan trên các tuyến đường gây mất trật tự nên thành phố mới chủ trương thu phí theo giờ. Khi triển khai thu phí, thành phố nhìn nhận đây chỉ là giải pháp tình thế. Ngoài phương án này, thành phố tính đến nhiều cách khác như thu phí ôtô vào nội đô, quản lý chặt lấn chiếm vỉa hè để giải quyết ùn tắc ở khu trung tâm.