Nhiều người 20-30 tuổi đột quỵ xuất huyết não, dẫn đến tử vong hoặc tàn phế, nguyên nhân là không biết bản thân bị tăng huyết áp hoặc chủ quan với bệnh này.
Ngày 1/2, PGS.TS.BS Nguyễn Huy Thắng, Phó chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam, Trưởng Khoa Bệnh lý mạch máu não, Bệnh viện Nhân dân 115, cho biết nơi này đang điều trị bệnh nhân 23 tuổi, khi vào viện đã hôn mê vì đột quỵ xuất huyết não, phải thở máy.
Các bác sĩ đang nỗ lực cứu chữa, song tiên lượng cô gái rất xấu, bởi đột quỵ xuất huyết não thường rất khó cứu. “Nếu giữ được tính mạng, đa số bệnh nhân cũng đối diện cảnh tàn phế”, bác sĩ nói.
Tuần trước, nơi này cũng tiếp nhận bệnh nhân ngoài 30 tuổi, vào viện lúc rạng sáng, đến chiều thì bác sĩ cho về vì hết hy vọng cứu chữa. CT Scan ghi nhận hình ảnh xuất huyết rất lớn bán cầu trái khiến bệnh nhân hôn mê sâu, đồng tử giãn, huyết áp lên 240 mmHg (bình thường khoảng 120). Gia đình không biết anh đã bị tăng huyết áp trước đó.
Cách đây không lâu, người đàn ông 36 tuổi qua đời vì đột quỵ xuất huyết não, sau hai ngày điều trị hồi sức tích cực. Gia đình cho biết bệnh nhân biết tăng huyết áp qua khám sức khỏe tổng quát, song mải mê công việc, lại nghĩ “chưa có gì nguy hiểm ngay nên không điều trị”.
Lãnh đạo Hội Đột quỵ Việt Nam cho rằng khác với nhồi máu não (thiếu máu não cục bộ), hiện y học hiện đại vẫn rất khó khăn với xuất huyết não (chảy máu não). Đột quỵ nhồi máu não có thể chữa khỏi nếu đến viện sớm trong những giờ đầu kể từ khi có dấu hiệu khởi phát, bằng dùng thuốc tiêu sợi huyết, lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học…
Trong khi đó, đột quỵ xuất huyết não chỉ chiếm khoảng 15%, song hiện chưa có nhiều biện pháp điều trị hiệu quả. Gần đây, một số nơi phẫu thuật xâm lấn tối thiểu dành cho bệnh nhân xuất huyết não đến viện trong 24 giờ, thể tích xuất huyết trên 30 ml, song kết quả hồi phục không ngoạn mục.
Đa số, người bệnh xuất huyết não vào viện phải nằm hồi sức, kiểm soát huyết áp, nâng đỡ tổng trạng… nhằm giúp kích thước khối máu tụ không tăng thêm và làm giảm các biến chứng. Tỷ lệ tử vong của xuất huyết não lên đến 50% trong ba tháng đầu, tiên lượng phụ thuộc chủ yếu vào kích thước khối máu tụ. Rất ít bệnh nhân nhẹ có thể tự hồi phục, đi lại được, phần lớn đối diện tàn phế vĩnh viễn.
Theo bác sĩ Thắng, xuất huyết não có thể phòng ngừa, bởi tăng huyết áp là “thủ phạm” gây hơn 90% các trường hợp, chỉ một số ít do dị dạng mạch máu não. Tăng huyết áp lâu ngày làm cho mạch máu bị xơ vữa, mất tính đàn hồi. Tăng huyết áp ở mức cao làm tăng áp lực tại các mạch máu nhỏ nằm sâu trong não, trên nền xơ vữa lâu ngày sẽ dẫn đến vỡ mạch máu, tạo khối máu tụ trong não.
“Điều đáng tiếc là nhiều người chưa chú ý phòng ngừa bằng cách kiểm soát tốt huyết áp, chủ quan với bệnh tăng huyết áp do cảm thấy khỏe mạnh, nhất là người trẻ”, bác sĩ nói. Đến khi xảy ra đột quỵ, người nhà mới cho biết bệnh nhân biết tăng huyết áp mà không uống thuốc, hoặc đôi khi không biết tăng huyết áp do không kiểm tra sức khỏe định kỳ.
“Việc kiểm soát chặt huyết áp, chính là chiếc chìa khóa vàng trong điều trị phòng ngừa xuất huyết não”, bác sĩ nói.
Theo khuyến cáo của Hội Đột quỵ Mỹ, huyết áp nên được duy trì dưới 130/80 mmHg đối với các bệnh nhân có tiền căn xuất huyết não. Ngoài ra, khuyến cáo cũng nhấn mạnh, việc đạt được mức huyết áp mục tiêu quan trọng hơn việc chọn lựa bất kỳ nhóm thuốc hạ áp nào.
Theo y văn, 70% trường hợp đột quỵ đã có thể tránh được nếu được dự phòng sớm. Lợi ích này có thể còn lớn hơn với dự phòng xuất huyết não. Mức huyết áp tâm thu ổn định trong khoảng 90-120 mmHg được xem là mục tiêu vàng giúp bệnh nhân tránh biến cố bi thảm này.
Bác sĩ Thắng cho rằng trở ngại lớn nhất là hầu hết bệnh nhân tăng huyết áp đều không có triệu chứng trước khi gây ra hậu quả, nên việc thuyết phục bệnh nhân đi khám đúng định kỳ là rất khó khăn. Thậm chí có bệnh nhân đến khám với huyết áp 240 mmHg vẫn quả quyết “em hoàn toàn bình thường”. Trong khi đó, tăng huyết áp đòi hỏi phải dùng thuốc kiểm soát lâu dài, hầu như phải điều trị suốt đời.
Trên bình diện chung hiện nay, tử vong do nguyên nhân bệnh tim mạch đứng thứ nhất toàn cầu. Tuy nhiên, ở khoảng 40% quốc gia, nguyên nhân tử vong do đột quỵ vượt lên đứng đầu, cao hơn tim mạch, trong đó có Việt Nam và Trung Quốc. Việt Nam thuộc nhóm những quốc gia có nguy cơ đột quỵ cao nhất thế giới, song số nơi điều trị còn quá ít.
Bác sĩ khuyến cáo mọi người cần khám sức khỏe định kỳ. Nếu phát hiện những thủ phạm chính gây đột quỵ nói chung như tăng huyết áp, đái tháo đường, rung nhĩ… cần dùng thuốc kiểm soát lâu dài. Không tự ý ngưng thuốc khi thấy sức khỏe ổn hoặc tự mua thuốc theo đơn cũ. Tránh những yếu tố gây nguy cơ đột quỵ bằng cách ngưng hút thuốc lá, hạn chế bia rượu, kiểm soát cân nặng, dinh dưỡng hợp lý, vận động thể lực đều đặn.
Đến viện ngay khi có một trong các triệu chứng tê hoặc yếu vùng mặt, tay hoặc chân. Lưu ý khi triệu chứng xảy ra một bên cơ thể, méo miệng, đột ngột không nói được hoặc khó nói, nhìn mờ, đau đầu, chóng mặt, mất thăng bằng.