HÀ NỘIPhương 15 tuổi, đau bụng suốt hai năm, nhiều lần vào viện kiểm tra không phát hiện bất thường, bác sĩ chẩn đoán bị stress quá mức do áp lực học tập.
Người nhà cho biết thường trước các kỳ thi, em xuất hiện những cơn đau dữ dội ở vùng thượng vị. Thông thường, khi thi xong, em không còn đau hoặc chỉ đau âm ỉ. Đặc biệt, trước kỳ thi cuối cấp, tần suất học tăng, Phương đau dữ dội. Gia đình đưa đến Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai khám.
Tiến sĩ, bác sĩ Dương Minh Tâm, Trưởng phòng Phòng Điều trị Rối loạn liên quan đến stress, cho biết em bị stress quá mức, không kiểm soát được dẫn đến đau bụng, buồn nôn. Bác sĩ chẩn đoán đây là “bệnh cơ thể tâm sinh” – bệnh sinh ra bởi nguyên nhân tâm lý. Khi uống thuốc, các triệu chứng giảm nhưng căng thẳng thì những cơn đau bụng lại xuất hiện. Để khắc phục, bệnh nhân cần điều trị tâm lý, theo dõi và dùng thuốc trong thời gian dài.
Stress, căng thẳng là yếu tố gây đau dạ dày, tăng tiết dịch vị, đau đầu, buồn nôn…, nhiều em bị ngất. Nam 15 tuổi, ở Hà Nội, cũng bị đau đầu, đi khám thần kinh, chụp MRI sọ não không thấy tổn thương và không phát hiện bệnh. Khi đến Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai, bác sĩ ghi nhận em có triệu chứng của stress, trầm cảm.
Nam kể khi học cấp hai luôn cố gắng để thi vào trường chuyên nhưng không đạt nguyện vọng và phải học trường ở khác. Vào lớp 10, em vẫn cố gắng thích nghi, tuy nhiên mẹ em thỉnh thoảng mắng về việc không thi đỗ, nhắc lại công lao đưa đi học thêm, khiến em suy nghĩ nhiều. Nhiều lần, Nam muốn xin mẹ đi học thêm nhưng sợ bị nhắc lại thành tích không tốt. Tình trạng này kéo dài khiến em mệt mỏi, đau đầu, đau bụng cùng các triệu chứng của trầm cảm.
Trả lời VnExpress, tiến sĩ Trần Thị Hà An, Phó Viện trưởng Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết những biểu hiện về tâm lý và biểu hiện về cơ thể xảy ra khi cơ thể phản ứng khi có stress, song mỗi người có biểu hiện và mức độ khác nhau. “Có người đau đầu, đau bụng nhưng có người có tâm lý u uất, buồn bã, chán nản”, bác sĩ nói. Trong đó, nhóm có triệu chứng bệnh lý thường đến viện muộn hơn do dễ bị nhầm lẫn với các bệnh lý nội khoa thay vì đến khám sức khỏe tâm thần.
Theo bác sĩ, stress thường gặp ở người yếu ớt, lãng mạn, sống khép kín. Người thiếu ý chí, thiếu nghị lực, nhút nhát, tự ti, mặc cảm, dễ xung đột… cũng dễ căng thẳng, áp lực.
Hai dạng stress phổ biến là stress cấp tính và stress mạn tính. Trong đó, stress cấp tính là dạng ngắn hạn và gây ra bởi các nhu cầu, sự kiện hoặc áp lực trong quá khứ và tương lai gần. Ví dụ như lo lắng về tiền bạc, mất việc, gây tai nạn, thi cử, người thân trong gia đình qua đời, bị thương nặng…
Còn stress mạn tính là dạng lâu dài, lặp đi lặp lại với các tác nhân gây stress trong một thời gian dài và có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn nếu nó không được xử lý thích hợp. Stress mạn tính làm suy yếu hệ thống miễn dịch của cơ thể, dẫn đến một số bệnh về tinh thần và thể chất như trầm cảm và các bệnh tim mạch.
“Tuy nhiên, stress cũng là phép thử mà mỗi lần vượt qua giúp hoàn thiện và trưởng thành hơn”, bác sĩ Tâm nói.
Bác sĩ khuyến cáo cha mẹ luôn là người gần gũi với con, nên chú ý quan sát những thay đổi từ cảm xúc, sức khỏe thể chất ăn, ngủ, sinh hoạt hàng ngày nếu có khác thường so với trước đó. Không tự ý cho trẻ dùng thuốc để bớt buồn ngủ, không ép buộc hay so sánh trẻ. Thường xuyên động viên và cho trẻ có thời gian nghỉ ngơi. Không nên áp đặt tiêu chí quá cao hay có thái độ buông bỏ trước nỗ lực của trẻ. Thay đổi chế độ ăn, loại bỏ món ăn gây kích thích dạ dày như các loại thịt nguội chế biến sẵn, món chua cay, cà phê…
Trẻ có biểu hiện bất thường, chống đối, cãi vã, nên đưa đi khám tâm lý sớm để được can thiệp kịp thời, tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra.