Cách ứng xử của Alex Ferguson hay Jose Mourinho được cho là không phù hợp với cầu thủ đương đại, như lại là phương pháp vô cùng hữu hiệu của Jurgen Klopp.
Một HLV có thể làm được nhiều việc khó, như lên giáo án cho buổi tập, sáng tạo chiến thuật phức tạp, quản lý ngân sách hàng trăm triệu USD, trả lời những câu hỏi hóc búa từ truyền thông, hay gánh vác áp lực từ người hâm mộ. Nhưng đôi khi họ gặp khó khăn trong mối quan hệ với cầu thủ, bởi quan hệ giữa con người với nhau rất phức tạp.
Mỗi cầu thủ có cá tính riêng biệt, dựa trên môi trường họ lớn lên. Cầu thủ thường có cái tôi, lại được một đội ngũ riêng hậu thuẫn phía sau. Những HLV giỏi nhất phải biết dung hoà cách đối xử với cầu thủ, khi cần nhạy cảm, lúc phải cứng rắn.
Micky Adams là HLV người Anh từng đưa bốn CLB lên hạng, trong đó có Brighton. Với ông, nhiệm vụ khó khăn nhất với một HLV là phải “ứng biến với từng cá tính của cầu thủ”.
Ông cho rằng HLV phải tìm ra cách để cầu thủ quy thuận, phải hiểu được cảm xúc của họ và tỏ ra đồng cảm. Mặt khác, HLV cũng nên biết đặt ra những tiêu chuẩn cao nhất cho từng học trò để họ phấn đấu. “Tôi đã thấy nhiều HLV mất việc vì không thể tạo dựng quan hệ đồng thuận với cầu thủ”, ông nói.
Khi còn là cầu thủ, Adams chơi hậu vệ biên những năm 1980 và 1990 của thế kỷ trước. Ông sẽ không thấy phiền nếu bị HLV mắng và chê bai. Phản ứng của Adams trong trường hợp đó sẽ là: “Tôi sẽ chứng minh cho HLV thấy ông ta đã sai”.
Những cá tính như Adams ngày càng hiếm trong bóng đá hiện đại, khi cầu thủ ngày nay thường muốn được khen ngợi hơn. Nhưng dù ở thời đại nào, có một điều không thay đổi là HLV luôn cần những cầu thủ có cá tính để lãnh đạo phòng thay đồ. “Nếu không có họ, HLV sẽ gặp rắc rối”, Adams nói thêm.
Những cầu thủ lãnh đạo thường là đội trưởng hoặc cầu thủ có khả năng định đoạt trận đấu. HLV sẽ dùng những kỹ thuật khác nhau để kích thích những cầu thủ này. Phương pháp của Harry Redknapp là vòng tay qua vai họ. Ông tiếp thêm sinh lực cho cầu thủ bằng lời khen, trao sự tự do miễn là họ làm tốt nhiệm vụ. Paolo Di Canio, Paul Merson hay Rafael van der Vaart đều từng hưởng lợi từ kỹ thuật này của Redknapp.
Trong mùa giải 2002-2003, Redknapp dẫn dắt Portsmouth ở hạng nhất Anh. Một ngày nọ, đội trưởng Merson đến và xin phép Redknapp cho anh tới phòng khám để kiểm tra chứng nghiện rượu và cờ bạc. Merson không làm thế, mà lại đến Barbados để nghỉ dưỡng. Anh tưởng rằng đã qua mặt được HLV, nhưng một người bạn của Redknapp đã nhìn thấy Merson ở Barbados. Khi trở về Anh, nước da của Merson rám nắng dù đó là tháng Giêng. Nhưng thay vì trừng phạt thủ quân, Redknapp đã làm ngơ. Merson ghi 12 bàn cho Portsmouth năm đó và giúp đội lên Ngoại hạng Anh. Hai năm sau, Redknapp mới nói cho Merson rằng ông đã biết chuyện từ lâu.
Jurgen Klopp cũng được các cầu thủ sùng bái như một tôn giáo, nhờ cách tạo dựng quan hệ cá nhân với cầu thủ. Ông vừa nhạy bén, vừa quan tâm thực sự đến cuộc sống của học trò. Các cầu thủ Liverpool nhờ đó đã tạo dựng niềm tin và sự đoàn kết để vô địch Champions League cũng như Ngoại hạng Anh.
Gini Wijnaldum là vị trí quan trọng trong hai danh hiệu kể trên của Liverpool. Hè 2016, anh từ chối Tottenham để chuyển tới Liverpool, sau một cuộc trò chuyện với Klopp. So với Mauricio Pochettino, Klopp không chỉ nói chuyện bóng đá với Wijnaldum. Ông quan tâm tới cuộc sống cá nhân của anh. Ông không chỉ hỏi thăm về “tiền vệ” Wijnaldum, mà còn muốn hiểu rõ “chàng trai” Wijnaldum ra sao.
Cầu thủ và HLV khi không ở trên sân, sẽ giao tiếp với nhau như những người bình thường. Klopp muốn hiểu rõ về cuộc sống của học trò, giúp những cuộc trò chuyện giữa thầy trò cởi mở hơn. “Klopp cải thiện khả năng chơi bóng của cầu thủ trên sân, và đem đến sự tự tin cho cầu thủ ngoài sân”, Wijnaldum nói. “Cách tiếp cận của Klopp khác với những gì tôi trải qua trước đây. Thầy không bao giờ la mắng hay tức giận khi tôi mắc lỗi, mà chỉ nổi điên lên nếu tôi không dám làm những điều mình giỏi”.
Giáo sư Sophia Jowett của Đại học Loughborough đã tóm lược cách tiếp cận của Klopp thành bốn tiêu chí: gần gũi, tận tuỵ, tương hỗ và cùng định hướng. Sự gần gũi thể hiện qua cách hai thầy trò chia sẻ với nhau cuộc sống cá nhân. Sự tận tuỵ đến từ những buổi tập đầy thử thách với cầu thủ. Sự tương hỗ và định hướng bộc lộ dựa trên những quan điểm giống nhau giữa hai thầy trò. Họ không chỉ trò chuyện như thầy trò, mà như những người bạn.
Giáo sư Jowett đã nói chuyện với nhiều người về bốn yếu tố này. Bà đúc kết rằng chúng tạo ra một mối quan hệ vừa tích cực, lại hiệu quả và hài hoà. Từ đó, thầy trò sẽ hiểu được những nhu cầu của nhau, và hướng tới những mục tiêu chung.
Sự gần gũi của Klopp còn thể hiện qua những cái ôm ông dành cho cầu thủ. Trên lý thuyết, khi hai người ôm nhau, não bộ sẽ kích thích để cơ thể sản sinh ra hormone oxytocin, còn gọi là hormone “tình yêu”. Cái ôm của Klopp giúp cầu thủ cảm thấy thoải mái hơn trong người.
Nhưng phương pháp của Klopp không hiệu quả với tất cả. Steven Gerrard được cho là thành công nhất dưới thời Rafa Benitez, với danh hiệu Champions League và Cup FA. Nhiều người sẽ nghĩ hai thầy trò này thân thiết, nhưng thực tế là trái ngược. “Sự lạnh nhạt của Benitez lại khiến tôi khao khát thể hiện để được ngợi khen”, Gerrard nói.
Gerrard sẵn sàng gọi điện cho bất cứ HLV nào của anh trước đây, ngoại trừ Benitez. Đỉnh cao sự nghiệp của cả hai đều là chức vô địch Champions League 2005 ở Istanbul, nhưng họ không hề hoà hợp với nhau. Về cá nhân, Gerrard thích một HLV dễ mến như Gerard Houllier hay Brendan Rodgers. Nhưng trong bóng đá, Gerrard không ngại làm việc cùng HLV lạnh lùng hơn. Những người lãnh đạm như Benitez hay Fabio Capello đôi khi lại tạo ra thành công lớn hơn cho đội bóng.
Cựu tiền đạo Jon Stead cũng được tiếp cận theo cách tương tự từ HLV Mark Hughes, khi họ làm việc cùng nhau ở Blackburn mùa 2004-2005. Dưới thời Graeme Souness, Stead khởi đầu như mơ với sáu bàn qua 13 trận. Nhưng khi Hughes thế chỗ Souness, Stead đã phải chịu khổ. “Hughes không phải người khó ưa, nhưng tôi không thể hiểu nổi ông ấy”, anh nói.
Stead thích một HLV cởi mở và thành thật. Nếu không hiểu được HLV đang nghĩ gì, hay không được ông ấy trả lời những thắc mắc, anh sẽ cảm thấy có nhiều vấn đề. Hughes đã học được những cách quản trị từ Alex Ferguson, khi còn là cầu thủ Man Utd. Nhưng phương pháp của Hughes không có hiệu quả với Stead. Tiền đạo này chỉ ghi hai bàn trong 36 trận dưới trướng Hughes.
Ferguson thành công hơn nhiều khi dùng phương pháp “máy sấy tóc” với những cầu thủ tài năng nhất của ông. Ông không ngại mắng những trụ cột của đội trong phòng thay đồ, để những cầu thủ còn lại phải nể sợ.
Wayne Rooney có quan hệ tốt với Ferguson, nhưng nhiều lúc anh cũng bị đem ra để làm gương cho toàn đội trong giờ giải lao. “Ferguson làm thế với tôi để đưa ra thông điệp cho cầu thủ khác”, Rooney tiết lộ. “Thầy cũng làm vậy với Ryan Giggs. Còn sau trận, thầy sẽ đến chỗ ngồi của tôi trên xe để đập một cái vào đầu tôi. Đó là cách thầy xí xoá chuyện trước đó”.
Adams cũng dùng kỹ thuật tương tự để kích thích trung vệ Danny Cullip trong thời gian ở Brighton. Ông từng lớn tiếng cả đội nhưng quay lưng lại với Cullip: “Các cậu nghe đây. Chúng ta phải ghi bốn bàn để thắng, vì không thể dựa vào những hậu vệ như này”. Lời nói của Adams khiến Cullip bị kích động và quyết tâm hơn trong trận đấu.
Một phương pháp đắc nhân tâm của Jose Mourinho là phớt lờ những thành viên chủ chốt trong đội hình. John Terry từng nhận được nhiều tin nhắn riêng từ Mourinho. Có lúc ông khen ngợi đội trưởng, đưa anh lên tận mây xanh. Nhưng khi Terry chấn thương, Mourinho sẽ cố tình quên anh, khiến trung vệ này tập luyện cật lực để sớm trở lại sân cỏ.
Khi Terry phải nghỉ một buổi tập, Mourinho sẽ đến nhưng không nói gì với anh. Ông đi qua bàn điều trị của anh như thể không có ai ở đó. “Tôi là đội trưởng Chelsea, và chờ đợi một cái đập tay từ thầy”, Terry kể lại. “Nhưng chuyện đó chẳng có đâu. Thầy chỉ nói chuyện với bác sĩ, và hỏi: ‘Bao lâu?’. Bác sĩ đáp: ‘Vài ngày nữa’. Rồi thầy sẽ bước ra ngoài. Hành động đó thôi thúc tôi trở lại”.
Cách tiếp cận của Benitez, Ferguson hay Mourinho khác nhau, nhưng đều có chung mục đích. Nhà tâm lý học thể thao Dan Abrahams lý giải: “Họ đều tạo ra một bầu không khí nhiều thách thức, với kỳ vọng cao”.
Về bản chất, Mourinho tạo ra một môi trường có độ thử thách cao, giúp cầu thủ luôn sẵn sàng đương đầu thử thách. Ông sẽ nói với học trò rằng: “Đây là triết lý và phương pháp thi đấu của tôi. Các cậu có thể làm theo hoặc không. Nếu không, các cậu sẽ bị loại”.
Abrahams cho rằng cách tiếp cận của Mourinho rủi ro cao hơn với cầu thủ đương đại, và có thể không chịu nổi bầu không khí như thế sau vài ba năm. Cầu thủ ngày nay được nuôi dạy trong một môi trường khác, không khắc nghiệt như thế hệ trước. Chuyên gia này khuyên Mourinho nên giảm bớt mức độ thử thách với cầu thủ, và hiểu nhu cầu cá nhân của từng học trò.
HLV thành công dựa nhiều vào tài năng của các cầu thủ trong đội hình. Nhưng quan trọng hơn là những cầu thủ đó phải quyết tâm và tận hiến vì đội bóng, vì HLV. Không có phương pháp nào hoàn hảo để tạo quan hệ với các cầu thủ. Mỗi HLV cần có kế hoạch riêng với từng học trò, ngay từ khi họ mới gặp nhau. Nhưng ngay cả khi có phương pháp phù hợp, HLV cũng sẽ thất bại nếu có yếu tố bên ngoài tác động.
HLV khó có thể tạo được mối quan hệ tốt đẹp một lâu dài với cầu thủ. Đôi lúc sẽ có những yếu tố bên ngoài tác động, như áp lực giành ba điểm, ham muốn tiền bạc và danh tiếng cá nhân. Khi đó, xưng đột không thể tránh khỏi. Đó là lúc Abrahams tin rằng mối quan hệ giữa HLV và cầu thủ về lâu dài sẽ giống như hôn nhân, hơn là bạn bè. Họ không cần lúc nào cũng phải thích nhau, nhưng cần thấu hiểu và cam kết vì một mục đích chung chứ không chỉ nghĩ cho bản thân.
Nhưng như Adams nói, những cầu thủ giỏi nhất đều sẵn sàng bước vào cuộc hôn nhân này, nếu HLV đem về thành công cho họ. “Đừng nghĩ rằng mọi cầu thủ đều thích HLV, vì điều đó là không thể”, Adams nhấn mạnh. “Các cầu thủ tin tưởng HLV vì ông ấy đem lại thành tích. Tôi đã có được niềm tin của cầu thủ khi đã bốn lần giúp đội bóng thăng hạng. Nhưng tôi không dám chắc họ thích tôi. Tôi chỉ có thể đảm bảo rằng họ tôn trọng tôi thôi”.