Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phê bình chính quyền thành phố để dư gần 5.700 biên chế công chức, viên chức dù Trung ương có nghị quyết tinh giản biên chế 5 năm trước.
Chiều 23/6, làm việc với UBND TP HCM, bà Trà nói hiện thành phố là địa phương duy nhất trên cả nước còn tồn tại công chức, viên chức dôi dư so với số lượng được Trung ương giao. “Sở Nội vụ thành phố quản lý không chặt chẽ biên chế, thậm chí ‘buông lỏng’ dẫn đến việc còn một số biên chế không đúng cơ quan thẩm quyền, chênh với số lượng biên chế mà Thủ tướng phê duyệt”, bà Trà nói.
Trước đó, Giám đốc Sở Nội vụ Huỳnh Thanh Nhân cho biết tổng biên chế công chức Trung ương giao TP HCM là 10.869 người, nhưng thực tế con số mà HĐND thành phố duyệt là 14.470 người, cao hơn 3.601 người. Tương tự, số biên chế viên chức mà HĐND thành phố giao là 99.985 người, cao hơn 2.104 người so với con số Trung ương giao.
Ông Nhân nhiều lần khẳng định con số này “không dư” mà đều đang làm việc tại các sở ngành và các địa phương. Phát sinh dân số cơ học khiến số bệnh viện, trường học tăng hàng năm dẫn đến TP HCM tăng nhân sự. Từ thực tế đó, thành phố đề xuất Trung ương công nhận số biên chế công chức mà HĐND đã duyệt.
“Nếu không công nhận được, TP HCM vẫn làm theo biên chế như thế này chứ khó khắc phục được. Nếu cắt con số đang dư của TP HCM sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động”, ông Nhân nói và thêm rằng thành phố đã nhiều lần nêu kiến nghị này nhưng chưa được xác nhận.
Lý giải thêm về số lượng cán bộ dôi dư, Chủ tịch UBND thành phố Phan Văn Mãi cho biết TP HCM có nhiều cơ quan mà địa phương khác không có, chẳng hạn như đội quản lý trật tự đô thị, mỗi quận huyện khoảng 50 người thì 22 địa phương đã thêm gần 1.000 người; hay Ban Quản lý An toàn thực phẩm cũng là mô hình duy nhất cả nước.
Không đồng tình với quan điểm của Sở Nội vụ thành phố, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nói rằng việc tăng biên chế công chức như mong muốn của TP HCM là “rất khó”. Ban chỉ đạo Trung ương về quản lý biên chế của Bộ Chính trị đã “chốt” biên chế ở cả 63 tỉnh, thành.
Theo bà Trà, Bộ Nội vụ đã lấy biên chế năm 2021 để báo cáo Ban chỉ đạo Trung ương nhằm đổi mới phân cấp, giao quản lý biên chế. Tới đây, Bộ Chính trị sẽ giao biên chế cho các địa phương nên thành phố sẽ phải giải trình, làm rõ nguyên nhân tại sao có sự chênh lệch giữa biên chế công chức thực tế và được giao, sau đó điều chỉnh hợp lý để vận hành chính quyền đô thị.
“Không tỉnh nào có tình trạng thế này. Đây là phát sinh duy nhất trên toàn quốc, không giải quyết được. Cơ sở ở đâu để HĐND thành phố giao biên chế công chức thế này, trách nhiệm thuộc về ai, hướng giải quyết thế nào”, lãnh đạo Bộ Nội vụ nói.
Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi cho biết trong tháng 7 thành phố sẽ đánh giá, làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm liên quan vấn đề này. Thành phố cũng sẽ có đề xuất theo hướng phát huy tự chủ và cơ chế xã hội hoá để giảm gánh nặng cho ngân sách.
Công chức, viên chức được quy định trong Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức và một số nghị định. Song, có thể hiểu đây là những người làm việc trong cơ quan Nhà nước, mang tính chất ổn định, lâu dài, có chế độ lương, phụ cấp đến khi nghỉ hưu.
Số lượng biên chế công chức, viên chức các tỉnh thành thường dựa vào quy mô diện tích, dân số, khối lượng công việc. Hàng năm, số lượng biên chế công chức được trình lên để Thủ tướng phê duyệt. Năm 2022, tổng số biên chế công chức cả nước hơn 256.000. Hà Nội và TP HCM có nhiều biên chế công chức nhất.