Với sản phụ từng có vết mổ trên tử cung thì khi bầu cần quản lý tốt thai kỳ, tránh các biến chứng: vỡ tử cung, nhau cài răng lược, nhau tiền đạo.
Trung tâm Sản Phụ khoa BVĐK Tâm Anh TP HCM vừa cứu mẹ con sản phụ Ngọc Điểm (ngụ TP HCM) gặp biến chứng sản khoa khi mang thai trên vết mổ cũ. Chị Điểm có tiền sử hai lần mổ lấy thai. Siêu âm tuần thai 13-14 nghi ngờ nhau tiền đạo, bánh nhau đi từ mặt sau vòng qua mặt trước cổ tử cung, lên tới gần vết mổ lấy thai cũ, che lấp hoàn toàn cổ tử cung. Siêu âm tuần thai 25 có dấu hiệu nhau cài răng lược. Từ tuần thai 28 trở đi, sản phụ bị xuất huyết nhiều lần, phải nhập viện theo dõi sát sao. Khi thai được 32 tuần 5 ngày, nhận thấy sức khỏe sản phụ không ổn, còn ra huyết âm đạo nhiều…, các bác sĩ hội chẩn quyết định mổ cấp cứu lấy thai để đảm bảo an toàn cho cả hai mẹ con.
Một trường hợp khác là thai phụ Nguyễn Thị Lành (29 tuổi, ở Hà Nội) cũng nhập viện Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh trong tình trạng nguy kịch, bị vỡ tử cung ở tuần thai thứ 18. Thai phụ từng trải qua 4 lần phẫu thuật bóc nhân xơ, 2 lần xử lý thai ngoài tử cung. Chị Lành cũng hai lần làm thụ tinh trong ống nghiệm IVF nhưng chưa từng làm mẹ. Các bác sĩ cấp cứu mổ mở ổ bụng thai phụ, nhanh chóng đưa thai nhi và bánh nhau vào lại tử cung, hút sạch dịch trong ổ bụng và khâu phục hồi tử cung của thai phụ. Sau gần 100 ngày theo dõi, bác sĩ quyết định cho chị Lành sinh mổ khi sắp sang tuần thai thứ 33. Cả chị Lành và thai nhi đều khỏe mạnh, bình an.
Theo BS.CKII Lê Thanh Hùng, Trung tâm Sản phụ khoa BVĐK Tâm Anh TP HCM, vết mổ trên tử cung đa phần do mổ lấy thai, ngoài ra có thể do mổ mổ u xơ, bóc nhân xơ tử cung.
Sản phụ có vết mổ tử cung, đặc biệt mổ lấy thai gặp nhiều nguy cơ khi mổ như tai biến do gây mê, gây tê, chảy máu, nhiễm trùng vết mổ, tổn thương tiết niệu, thời gian nằm viện kéo dài, phục hồi sức khỏe chậm, tăng chi phí chăm sóc y tế, ảnh hưởng đến sự chăm sóc cho bé và nuôi con bằng sữa mẹ… Về lâu dài, sản phụ sinh mổ có thể bị tắc ruột, dính ruột. Đặc biệt, sản phụ sinh mổ rất dễ ảnh hưởng tương lai sinh sản về sau như: tăng nguy cơ nhau tiền đạo, nhau cài răng lược, nứt sẹo mổ, vỡ tử cung, tăng tỷ lệ sinh mổ lần có thai sau… Ngoài ra, trường hợp những phụ nữ mang thai lần 2 cách lần sinh mổ trước dưới 18 tháng, trẻ có thể sẽ bị sinh non, nhẹ cân, vàng da, thính giác kém, kém phát triển về mặt trí tuệ, thể chất.
Bác sĩ Thanh Hùng cho biết, để hạn chế nguy cơ tai biến sản khoa từ vết mổ trên tử cung, đầu tiên chị em cần hạn chế việc lựa chọn sinh mổ vì nhiều lý do như chọn ngày giờ đẹp, vì sợ không chịu đựng cơn đau đẻ, sợ giãn nở âm đạo… Mẹ bầu chỉ sinh mổ khi được bác sĩ chỉ định.
Thứ hai, phụ nữ có vết sẹo trên tử cung cần khám sức khỏe sinh sản trước khi mang thai để bác sĩ tư vấn thời gian nào an toàn cho phụ nữ có thể mang thai trở lại, những nguy cơ gặp phải khi mang thai, điều trị bệnh lý có thể xảy ra.
Thời gian sinh mổ lần hai, các bác sĩ sản khoa khuyên nên cách khoảng 2 năm kể từ khi thai phụ can thiệp tử cung lần đầu. Đây là khoảng thời gian đủ giúp mẹ hồi phục hoàn toàn vết mổ, thời điểm tốt nhất để đảm bảo cho sự phát triển của bé, sự an toàn của mẹ. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều chị em phụ nữ rơi vào tình trạng “vỡ kế hoạch” khi mang thai sớm. Tại lớp học tiền sản của BVĐK Tâm Anh TP HCM, có 20% học viên theo học là các thai phụ theo học có vết mổ trên tử cung. Nhiều chị em có vết sẹo mổ cũ bày tỏ sự lo lắng với bác sĩ khi mang thai lần 2, lần 3 sớm hơn dự định.
Qua đó, bác sĩ Thanh Hùng lưu ý, Phụ nữ từng có sẹo mổ trên tử cung phải nhận biết dấu hiệu mang thai, khám thai sớm để bác sĩ kiểm tra thai đã vào tử cung, thai có bám gần chỗ có sẹo mổ cũ. Nếu thai bám trên sẹo mổ cũ được phát hiện giai đoạn sớm buộc phải chấm dứt thai kỳ vì khi túi thai lớn lên, nguy cơ gây vỡ tử cung. Tuổi thai càng nhỏ thì việc chấm dứt thai kỳ dễ dàng hơn, ít để lại biến chứng so với việc phát hiện trễ.
Phụ nữ mang thai có vết mổ trên tử cung thì cần phải thăm khám, theo dõi thai kỳ nghiêm ngặt; lưu lại thông tin vết mổ từ giấy xuất viện, tường trình phẫu thuật, tóm tắt bệnh án, gửi bác sĩ sản khoa xem xét khi đi khám thai.
Bác sĩ Hùng cho biết, chăm sóc, theo dõi thai kỳ cần thiết, chị em có thể đăng ký các lớp học tiền sản để trang bị kiến thức, theo dõi những bất thường trong thai kỳ. Phụ nữ mang bầu cần cảnh giác với triệu chứng đau bụng, ra máu âm đạo, gò tử cung cần đến bệnh viện kiểm tra ngay. Đối với thai phụ sinh mổ lần một, thường lần sinh tiếp theo nếu được bác sĩ chỉ định sinh mổ chủ động thì tuổi thai đạt từ 39 tuần. Tuy nhiên, các trường hợp thai phụ có nhau tiền đạo, nhau cài răng lược thường gặp nhiều biến cố, bác sĩ phải chấm dứt thai kỳ sớm hơn để đảm bảo an toàn cho mẹ, thai nhi.
Thai phụ đến tuần thai 36 nên chủ động làm các bộ xét nghiệm trước sinh để đề phòng phải mổ cấp cứu. Ngoài ra, chị em sinh mổ ở lần thứ 3, nên nên kết hợp triệt sản để tránh rủi ro mổ nhiều lần nguy hiểm tính mạng thai phụ.
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tỷ lệ mổ lấy thai chỉ nên giới hạn dưới mức 15% để tránh tai biến nguy hiểm cho thai phụ và thai nhi. Tuy nhiên, những năm gần đây, tỷ lệ thai phụ sinh mổ tại nước ta đang gia tăng nhanh chóng. Theo kết quả Điều tra đo lường các chỉ số Mục tiêu Phát triển Bền vững của Việt Nam về Trẻ em và Phụ nữ (SDGCW) 2020-2021, tỷ lệ sinh mổ tại Việt Nam chiếm 34,4% tăng gần 7% so với năm 2014. Tỷ lệ sinh mổ cao hơn ở khu vực thành thị chiếm tới 43,2%.