TRUNG QUỐCTrong 17 năm trốn chạy, Ngưu Kháng Bân từng bị bắt 6 lần nhưng cảnh sát không phát hiện danh tính giả của hắn.
4h sáng 3/7/2012, ở ga xe lửa Thượng Hải, một người đàn ông tỉnh dậy sau cơn say, phát hiện tiền trên người mất sạch. Tại đồn cảnh sát, nạn nhân tự xưng họ Lưu, kinh doanh quần áo ở Phúc Kiến, đến Thượng Hải để bàn việc làm ăn.
Theo đó, tối 2/7, sau khi uống rượu với khách hàng, Lưu ôm 60.000 nhân dân tệ tiền hàng định đến khách sạn nghỉ qua đêm, sáng mai đi tàu về Phúc Kiến. Sau khi hỏi thăm một số khách sạn, tiếc chi phí một đêm tới 300-400 nhân dân tệ, Lưu quyết định ngủ tạm một đêm ở băng ghế trên quảng trường gần ga xe lửa. Khi ngủ, hai tay Lưu ôm chặt ba lô trước ngực, bên trong có 60.000 nhân dân tệ và con dấu, séc, thẻ ngân hàng…
Hàng chục mét xung quanh băng ghế nơi Lưu ngủ không có camera giám sát, cảnh sát chỉ có thể tìm kiếm video giám sát ở một số ngã tư gần đó. Sau hơn ba giờ đối chiếu, cảnh sát tìm ra nghi phạm chính và ba đồng phạm, thời gian gây án vào khoảng 1h30 sáng 3/7.
Kết luận đây là nhóm trộm chuyên nghiệp, cảnh sát nhanh chóng điều tra ra danh tính của cả bốn. Ngày 17/7, nghi phạm Lý Đại Quân bị bắt. Ngày 20/7, ba đồng phạm là Hạ Tá Quốc, Hồng Hậu Dụ, Vệ Cầu lần lượt sa lưới.
Vốn cho rằng đây chỉ là vụ trộm thông thường nhưng trong quá trình xét xử vụ án, cảnh sát phát hiện dấu hiệu bất thường. Thân phận của Lý Đại Quân, Hạ Tá Quốc và Hồng Hậu Dụ nhanh chóng được tra rõ, chỉ Vệ Cầu khiến cảnh sát thấy khó hiểu.
Ngoại hình, thông tin của người đàn ông trung niên tự xưng là Vệ Cầu không khớp với cơ sở dữ liệu thông tin quốc gia về dân cư, nhưng lại có nhiều tiền án trong cơ sở dữ liệu tội phạm của Bộ Công an. Từ năm 1999, Vệ Cầu bị kết án hai lần và bị phạt cải tạo lao động bốn lần vì nhiều vụ trộm cắp. Cầu mới ra tù vào tháng 4/2012.
Khi bị thẩm vấn, Cầu khai quê quán ở thành phố Nhạc Dương, tỉnh Hồ Nam. Nhưng sau khi xác minh, cảnh sát địa phương cho biết không tìm thấy người nào như vậy.
Đội trưởng đội điều tra nhận xét Cầu là kẻ rất xảo quyệt, có thể lừa dối trước cơ quan tư pháp nhiều lần và tiếp tục ngụy trang danh tính trong nhiều phiên tòa. Cầu được cho là có tố chất tâm lý và khả năng chịu áp lực mạnh mẽ.
Đội điều tra quyết định đi đường vòng để tìm điểm đột phá, vừa tăng cường thẩm vấn đồng bọn của Cầu, vừa kiểm tra tỉ mỉ đồ đạc tùy thân của hắn, hy vọng tìm ra manh mối.
Để “lập công chuộc tội”, ba đồng bọn khai báo với cảnh sát tất cả những gì biết về Cầu. Tuy nhiên, hầu hết thông tin không có giá trị, bởi thường ngày Cầu vô cùng cẩn thận, không tiết lộ cho đồng bọn. Dẫu vậy, cảnh sát vẫn lọc ra được hai manh mối.
Lý Đại Quân phát hiện Cầu nói đến từ Hồ Nam nhưng không bao giờ ăn cơm, hầu như chỉ ăn bánh bao hấp hoặc bánh bột mì, các loại mì. Quân nghi ngờ Cầu là người phương bắc.
Quân nói, vài ngày trước, vợ cũ đưa con trai út đến Thượng Hải tìm Cầu, họ cùng ăn tối hôm đó. Quân nghe thấy giọng của vợ con Cầu không giống phương ngữ Hồ Nam mà giống tiếng địa phương vùng tây bắc hơn.
Kết hợp hai manh mối, cảnh sát quan sát thói quen ăn uống của Cầu trong trại giam và xác minh phỏng đoán.
Một tù nhân đến từ Nhạc Dương, Hồ Nam, được cho xem đoạn video thẩm vấn của Cầu và khẳng định khẩu âm của hắn không phải người Nhạc Dương.
Kiểm tra đồ đạc của Cầu, một tấm thẻ ngân hàng có tên người đăng ký là Ngưu Bành Vĩnh thu hút sự chú ý của cảnh sát. Truy xuất thông tin cá nhân của Vĩnh, cảnh sát phát hiện anh ta đến từ thành phố Hán Thành, tỉnh Thiểm Tây. Bố của Vĩnh là Ngưu Kháng Bân, kẻ sát nhân đang bị truy nã. Qua đối chiếu ảnh, Bân và Cầu chính là một.
Năm 1995, Bân lỡ tay đánh chết người đồng hương ở Hán Thành rồi sợ tội bỏ trốn. Ngày 25/5/1998, Bân cùng ba kẻ khác đột nhập, cướp và sát hại một cặp vợ chồng ở thành phố Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam.
Bân khai sau khi đánh chết người đã bỏ chạy đến thành phố Trịnh Châu, nhập bọn cùng hội lưu manh. Tiền kiếm được ít nhưng lại tiêu xài hoang phí, Bân nảy ý định trộm cướp. Hắn lôi kéo ba bạn nhậu đột nhập, trói hai vợ chồng gia chủ, cướp sạch tiền tài. Các đồng phạm vốn chỉ định cướp của, nhưng Bân lại sát hại cả hai nạn nhân.
Sau khi gây án, Bân trốn đến Thượng Hải, dùng tên giả là Vệ Cầu, vờ là người lao động quê ở Nhạc Dương, Hồ Nam đang đi tìm việc. Ba đồng phạm của Bân lần lượt bị bắt trong vòng một tháng, khai ra Bân là kẻ chủ mưu nhưng cảnh sát không tìm ra tung tích Bân suốt 14 năm.
Tại Thượng Hải, Bân phạm nhiều tội trộm cắp và bị bắt giữ nhiều lần. Mỗi lần hắn đều sử dụng thân phận Vệ Cầu, lợi dụng sơ suất để qua mặt cảnh sát. Chỉ đến khi gây ra vụ trộm tối 2/7/2012, Cầu mới bị nghi ngờ vì đối chiếu thông tin, hình ảnh không khớp, từ đó tra ra chân tướng.
Tấm thẻ ngân hàng góp phần vạch trần Bân được hắn đứng tên con khi vợ cũ mang con trai đến Thượng Hải tìm. Bân thấy có lỗi với họ nên tính chuyển tiền bạc trộm cắp được cho con.
Phạm nhiều tội nghiêm trọng và không biết hối cải, Ngưu Kháng Bân phải nhận án tử hình.