Sau dịch, gần 50% lao động muốn đổi công ty để có phúc lợi tốt hơn, linh hoạt thời gian, địa điểm làm việc, theo báo cáo toàn cảnh lao động 2022 của ManpowerGroup.
Kết quả báo cáo được Tập đoàn tuyển dụng ManpowerGroup chia sẻ tại hội thảo giữ chân người lao động sau Covid-19 diễn ra ngày 14/6. Theo đó, ba yếu tố linh hoạt được lao động ưu tiên gồm mong muốn được lựa chọn thời gian bắt đầu và kết thúc ngày làm việc, có nhiều ngày nghỉ hơn và chọn nơi làm việc.
Báo cáo cũng chỉ ra sau đại dịch tỷ lệ nữ rời bỏ lực lượng lao động đang ở mức báo động. 49% lao động nữ cho biết kém lạc quan về triển vọng nghề nghiệp của mình so với trước khi Covid-19 xuất hiện, trong đó 57% cho biết dự định rời bỏ công việc đang làm trong hai năm tới.
Xu hướng lao động ưu tiên chọn công việc linh hoạt về thời gian, địa điểm cũng được chuyên trang Việc làm tốt chỉ ra trong báo cáo việc làm 6 tháng đầu năm 2022. Trên 60% trong tổng số hơn 1.300 công nhân được khảo sát trả lời muốn đổi nghề, tìm việc ở những nhóm ngành khác như việc làm trực tuyến, gia công tại nhà, bán hàng, tài xế, giao hàng…
Bà Trần Minh Ngọc, Giám đốc chuyên trang Việc làm tốt, cho biết từ đầu năm 2022, kỳ vọng thời gian, nơi chốn làm việc linh hoạt được người lao động đặt ngang hàng với mong muốn về tiền lương, phúc lợi. Điều này tác động đến lựa chọn công việc của người lao động. Các ngành sản xuất, chế biến, chế tạo (thường buộc lao động phải đến nhà máy, công xưởng) sẽ rất khó tuyển người cả trong hiện tại và tương lai.
Để giữ chân lao động và đảm bảo nhân sự sau dịch, bà Nguyễn Thu Trang, Giám đốc tuyển dụng cấp cao và tư vấn nhân sự ManpowerGroup Việt Nam, khuyến nghị chủ doanh nghiệp phải xây dựng mức lương cạnh tranh, đảm bảo môi trường làm việc tốt và chăm sóc sức khỏe người lao động trong dài hạn.
Ngoài ra, các công ty có thể tính đến phương án sử dụng lao động thời vụ, khoán việc. Dịch vụ này giúp chủ doanh nghiệp chủ động, linh hoạt về kế hoạch nhân sự, phù hợp yêu cầu kinh doanh thay đổi liên tục; tiết kiệm được khoản lớn chi phí thường có, ít nhất 30%, khi sử dụng lao động cố định.
Bà Nguyễn Tâm Thanh, Giám đốc nhân sự vùng Cargill Việt Nam và Thái Lan, cho rằng trong khi lao động không muốn gắn bó lâu dài ở một nơi nhất định, thích dịch chuyển để thử nghiệm môi trường mới thì các nhà máy buộc phải tính đến phương án thuê lại lao động từ nhà cung ứng. Hiện, tỷ lệ phần trăm (%) lao động dịch vụ với lao động chính thức ở các nhà máy là 15-85, song trong tương lai có thể sẽ tăng lên 25-75 và tiến tới 50-50.